Trong vụ động đất, sóng thần xảy ra năm 2011, có một câu chuyện cảm động về một cậu bé 9 tuổi tại Nhật Bản được lan truyền ra khắp thế giới. Giống như những người khác, cậu bé cũng đứng xếp hàng chờ được phát thực phẩm. Trên người chỉ có một chiếc áo thun và quần cộc, trong khi trời rất lạnh, cậu bé được một thành viên trong đoàn cứu trợ đưa phần lương khô và đề nghị ăn trước cho đỡ đói vì bé xếp cuối hàng. Thế nhưng, sau khi nhận được phần lương khô ấy, cậu bé đã mang lên đưa cho người đang phát thực phẩm và tiếp tục quay lại hàng để chờ. Khi được hỏi lý do, câu trả lời đã gây xúc động cho rất nhiều người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Mang lên đó để các cô chú phát chung cho công bằng ạ!”.
Ở Nhật Bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ, bất luận đi đến chỗ nào, họ đều nghiêm túc xếp hàng trong yên lặng. Đối với người dân Nhật, đây vốn chẳng phải một nét văn hóa như nhiều người vẫn ca tụng. Bởi đơn giản, xếp hàng chỉ là một thói quen tốt đẹp đã được nuôi dưỡng trong mỗi người dân Nhật Bản ngay từ thuở ấu thơ.
Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng, xếp hàng là quy định và phép tắc công cộng cần tuân thủ. Ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận giáo dục, các em đã được dạy cách phối hợp với người khác để xếp hàng theo thứ tự. Bài học ấy cứ lặp lại hàng ngày, lâu dần hình thành một thói quen tốt được chú trọng bồi đắp qua nhiều thế hệ. Mỗi khi có nhiều người đứng cạnh nhau, họ sẽ có xu hướng mặc định trong đầu một suy nghĩ: Nhất định phải xếp hàng.
Phần lớn người Nhật rất tôn trọng quy tắc và thường hành động theo kế hoạch, nhằm đảm bảo mọi thứ luôn nằm trong kiểm soát, trật tự và ngăn nắp. Suy cho cùng, việc kiên nhẫn và tâm lý thoải mái khi xếp hàng của bất kỳ người dân Nhật nào cũng đều xuất phát từ bài học thời mẫu giáo: Kỷ luật, tự giác, hợp tác và tôn trọng.